Việt Nam vô địch AFF Cup 2018: Câu trả lời cho vấn đề cầu thủ nhập tịch

Việt Nam vô địch AFF Cup 2018: Câu trả lời cho vấn đề cầu thủ nhập tịch

Dân trí Bóng đá Việt Nam vài năm trở lại đây luôn đối diện với đòi hỏi sử dụng hay không sử dụng cầu thủ nhập tịch. Thành công của chính chúng ta ở AFF Cup 2018, bên cạnh thất bại của nhiều đội bóng sử dụng cầu thủ nhập tịch chính là câu trả lời cho vấn đề vừa nêu.
 >> Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018: Vinh quang từ lứa cầu thủ trẻ
 >> Chói sáng ở AFF Cup 2018, Quang Hải sáng cửa giành Quả bóng vàng Việt Nam

Bất chấp đòi hỏi việc phải sử dụng cầu thủ nhập tịch của một bộ phận dư luận, đội tuyển Việt Nam vẫn kiên trì với chính sách sử dụng cầu thủ do chính chúng ta đào tạo, xuất thân từ nhiều học viện bóng đá trẻ hiện đang nở rộ trên cả nước.

Những Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Phan Văn Đức, Đoàn Văn Hậu,… là sản phẩm của các lò đào tạo bóng đá trẻ. Những cầu thủ này vươn lên từ chốn vô danh, từ những sân cát, sân ruộng, từ những đôi chân trần để trở thành ngôi sao của bóng đá Đông Nam Á, một số người trong đó còn ngấp nghé vươn đến ngưỡng châu Á.

Kiên trì với con đường mình đã chọn, kiên định với chính sách ưu tiên cho sự phát triển của bóng đá trẻ, thay vì chạy theo thành tích nhất thời, của cách làm ngắt ngọn nếu sử dụng ồ ạt cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển quốc gia, bóng đá Việt Nam thành công vang dội không chỉ ở AFF Cup 2018, mà trong cả năm qua.

Bóng đá Việt Nam thành công trong năm 2018, hứa hẹn thành công lâu dài, nhờ lực lượng cầu thủ được đào tạo bài bản, có tính kế thừa cao (ảnh: Quý Đoàn)
Bóng đá Việt Nam thành công trong năm 2018, hứa hẹn thành công lâu dài, nhờ lực lượng cầu thủ được đào tạo bài bản, có tính kế thừa cao (ảnh: Quý Đoàn)

Ngược lại, các nền bóng đá ở Đông Nam Á chuộng sử dụng cầu thủ gốc nước ngoài đều thể hiện những hạn chế. Philippines là đội bóng dùng nhiều cầu thủ gốc ngoại nhất, chủ yếu là có nguồn gốc châu Âu, nhưng Philippines không chỉ trong năm 2018, mà ở các kỳ AFF Cup trước đó nữa, chưa tạo nên thành công trọn vẹn.

Thành tích cao nhất của bóng đá Philippines chỉ là vào bán kết các kỳ giải 2010, 2012, 2014 và 2018, nhưng thất bại ở tất cả 4 lần vào bán kết đấy. Điều đó chứng tỏ cầu thủ gốc châu Âu của Philippines cũng không hơn cầu thủ chính gốc Đông Nam Á.

Một nền bóng đá khác từng sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch là Singapore hiện cũng đã thay đổi quan điểm của mình. Hiện tại, Singapore dùng toàn các cầu thủ được đào tạo từ nội địa, chứ không sử dụng cầu thủ nhập tịch như trước đây.

Nguyên nhân xuất phát từ việc Singapore nhận ra họ dùng cầu thủ nhập tịch, có thể đạt được thành công trước mắt, nhưng về lâu về dài bóng đá Singapore vẫn không phát triển, không thể vươn tầm như kỳ vọng. Rồi chính việc dùng cầu thủ nhập tịch đấy ở cấp độ đội tuyển quốc gia lại triệt tiêu cơ hội vươn lên, khát vọng vươn lên của các cầu thủ trẻ.

Indonesia là đội bóng cũng chuộng cầu thủ nhập tịch trong thời gian gần đây. Họ có tiền vệ tổ chức Lilipaly là người gốc Hà Lan, và có tiền đạo Alberto Goncalves gốc Brazil, nhưng Indonesia là một trong những đội rối ren nhất tại AFF Cup 2018.

Quang Hải là sản phẩm ưu tú của chính sách đào tạo cầu thủ trẻ và tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ phát triển ở đỉnh cao (ảnh: Quý Đoàn)
Quang Hải là sản phẩm ưu tú của chính sách đào tạo cầu thủ trẻ và tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ phát triển ở đỉnh cao (ảnh: Quý Đoàn)

Họ có thể có nhiều cái tên xuất sắc, có chất lượng kỹ thuật cao, nhưng đội bóng xứ vạn đảo không phải là một tập thể mạnh.

Ngược lại, Thái Lan và Việt Nam vẫn là các nền bóng đá trung thành với việc phát triển từ khâu đào tạo trẻ. Nói gì thì nói, Thái Lan vẫn là nền bóng đá số 1 Đông Nam Á, vẫn là đội bóng mạnh tại giải năm nay và các giải về sau, cho dù ở AFF Cup 2018, họ không qua được bán kết.

Còn đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Cup 2018, đồng thời hứa hẹn sẽ còn trụ lâu trên đỉnh cao, bởi đang sở hữu dàn cầu thủ trẻ trung, tài năng, lại có tính kế thừa cao.

Có thể trong đội hình của đội tuyển Việt Nam và Thái Lan, vẫn có những gương mặt sinh ra hoặc lớn lên ở nước ngoài, như thủ môn Đặng Văn Lâm của đội tuyển Việt Nam, hay một số cầu thủ “Thái kiều” của đội tuyển Thái Lan.

Nhưng khác với cầu thủ nhập tịch, những trường hợp cầu thủ Việt kiều như Đặng Văn Lâm được khuyến khích khoác áo đội tuyển quốc gia, bởi họ có nguồn gốc người Việt, được sinh ra và lớn lên giữa hơi thở của văn hoá Việt, do ông bà, cha mẹ của họ lưu giữ và truyền lại cho họ, giúp các cầu thủ này dễ hoà nhịp với đội tuyển quốc gia.

Những cầu thủ như Đặng Văn Lâm trở về từ nước ngoài còn mang về tư duy và chất lượng chuyên môn theo tiêu chuẩn quốc tế, về với đội tuyển Việt Nam.

Kim Điền

 

Bài viết liên quan
Gọi ngay
Chat với chúng tôi qua Zalo
Facebook Messenger